Post date: 13:13:00 10-08-2014
Tắc động mạch phổi hay thường gọi là nhồi máu phổi (NMP) là một bệnh lý hết sức nặng nề, thường dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Mặc dù có nhiều biện pháp điều trị khá tích cực hiện nay, nhưng tỷ lệ tử vong chung (tại Hoa kỳ) ở bệnh nhân NMP vẫn khoảng 20-30%. Tắc mạch phổi là một bệnh lý khá thường gặp, bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm, tử vong thường do rối loạn huyết động khi tắc mạch phổi diện rộng. Nên coi huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi là cùng một quá trình bệnh lý. Tiên lượng sớm tùy vào các loại rối loạn huyết động. Chẩn đoán và xử trí tắc mạch phổi đi theo hai hướng khác nhau tùy theo sự ổn định huyết động trên lâm sàng. Chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc, thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp qua đường ống thông... là những biện pháp tiên tiến có thể làm thay đổi hẳn diễn biến và tiên lượng khi xử trí tắc động mạch phổi.
Việc tắc đột ngột một mạch của phổi dẫn đến tăng đột ngột trở kháng của một vùng hệ mao mạch phổi, tăng gánh cho tim phải, thất phải giãn và suy cấp, làm giảm cung lượng tim và hạ huyết áp động mạch. Thêm vào đó có hiện tượng giảm ôxy máu động mạch và sự mất tương xứng giữa thông khí và tưới máu càng làm bệnh thêm trầm trọng.
Tắc mạch phổi biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể không hề có triệu chứng lâm sàng nhưng cũng có thể có suy huyết động nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Hai biểu hiện bệnh lý chính khi tắc mạch phổi là rối loạn chức năng thất phải và rối loạn trao đổi khí. Tắc mạch phổi làm tăng sức cản mạch phổi, tăng hậu gánh thất phải, tăng áp lực và sức ép lên thành tim của buồng thất phải, tăng nhu cầu ôxy cơ tim... đưa đến thiếu máu cơ tim và rối loạn chức năng thất phải, giảm thể tích tống máu thất phải. Thất phải giãn gây đẩy vách liên thất sang trái làm giảm đổ đầy và tiền gánh thất trái (còn do giảm thể tích tống máu thất phải), từ đó cung lượng tim, huyết áp động mạch chủ, áp lực tưới máu mạch vành đều giảm. Nhịp tim nhanh, nhu cầu ôxy tăng, buồng tim quá giãn, tưới máu vành giảm... là những yếu tố làm nặng thêm rối loạn chức năng thất phải và tạo vòng xoắn bệnh lý dẫn đến cung lượng tim giảm ® sốc tim. Rối loạn trao đổi khí ở bệnh nhân tắc mạch phổi rất phức tạp, liên quan đến kích thước và tính chất của cục nghẽn, mức độ lan rộng, thời gian tắc cũng như tình trạng bệnh tim phổi trước đó. Giảm ôxy máu thường do tăng khoảng chết phế nang, luồng thông từ phải sang trái, bất tương hợp giữa thông khí với tưới máu (V/Q) và bão hòa ôxy mạch trộn (MvO2) thấp (chủ yếu là hai cơ chế cuối). Tỷ lệ thông khí/tưới máu thấp do tái phân bố dòng máu ở phổi (giảm lượng máu đến vùng tắc mạch, tăng quá mức lượng máu đến vùng phổi lành) và do xẹp phổi không hồi phục sau khi ly giải cục tắc. Xẹp phổi còn do mất lớp surfactant, xuất huyết phế nang hoặc tình trạng giảm CO2 phế nang, do co thắt phế quản, tất cả đều có sự tham gia của các yếu tố thể dịch do tiểu cầu trong lõi cục huyết khối gây ra. PaO2 có thể giảm hơn nữa sau dùng thuốc vận mạch do tăng luồng thông sinh lý khi tăng dòng máu qua vùng phổi có tỷ lệ V/Q thấp. Các hiện tượng khác cũng được nhắc đến như: phù phổi sau tắc mạch phổi do áp lực nhĩ phải tăng và hậu quả của luồng thông từ phải sang trái qua lỗ bầu dục hoặc lỗ thông liên nhĩ gây tắc mạch nghịch thường hoặc gây giảm nặng PaO2.
Tắc mạch phổi nhỏ khi diện tắc mạch £ 20% hoặc áp lực mạch phổi (ALĐMP) trung bình < 20 mmHg. Tắc mạch phổi diện rộng được định nghĩa khi diện tắc mạch ³ 50% hoặc tắc ³ 2 động mạch của hai thùy phổi.
Chẩn đoán nhồi máu phổi vừa dễ bỏ sót vừa dễ chẩn đoán nhầm. Rất dễ bỏ sót chẩn đoán ở bệnh nhân có bệnh tim phổi từ trước, người già, hoặc khi chỉ có duy nhất triệu chứng khó thở. 10% trường hợp tử vong tại viện là do tắc mạch phổi cấp, đa số chỉ được chẩn đoán khi mổ tử thi. Mặt khác, cũng dễ chẩn đoán nhầm. Ngay cả ở các nước tiên tiến, chẩn đoán xác định bằng chụp động mạch phổi chỉ chiếm xấp xỉ một phần ba số bệnh nhân nghi ngờ.
Bảng 26-1. Ước lượng khả năng tắc mạch phổi
Cao
> 85%
Trung bình
Thấp
< 15%
- Khó thở đột ngột, thở nhanh (> 20 lần/phút) hoặc đau ngực (kiểu màng phổi hoặc sau xương ức) không giải thích được, kèm theo ít nhất 2 trong số những biểu hiện sau:
- Có yếu tố nguy cơ (không vận động, ứ trệ tuần hoàn, tiền sử viêm tắc tĩnh mạch, sau mổ xương khớp hoặc tiểu khung, sau chấn thương, khối u ác tính, suy tim, dùng thuốc tránh thai...).
- Thỉu kèm theo dấu hiệu tăng gánh thất phải mới có trên điện tim.
- Triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch sâu (sưng, nóng, đỏ, đau một chân).
- Phim Xquang có dấu hiệu nhồi máu phổi, bướu ở vùng rốn phổi hoặc vùng giảm tưới máu.
Có các biểu hiện nằm ở giữa hai nhóm thấp và cao.
- Không có khó thở đột ngột, thở nhanh (> 20 lần/phút) hoặc đau ngực.
- Khó thở đột ngột, thở nhanh hoặc đau ngực nhưng do lý do khác.
- Không có yếu tố nguy cơ.
- Bất thường trên phim Xquang do nguyên nhân khác.
- INR > 2 hoặc aPTT > 1.5 lần chứng trong vòng 1 tuần trước đó.
Hầu hết bệnh nhân có biểu hiện mơ hồ với rất nhiều mức độ khác nhau, nên rất cần có các thăm dò thêm để loại trừ hay khẳng định chẩn đoán. Nhiều nghiên cứu cho thấy phối hợp các triệu chứng lâm sàng, yếu tố nguy cơ, vài thăm dò đơn giản cho phép phân loại khá tin cậy khả năng tắc mạch phổi, từ đó sẽ lựa chọn nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém các biện pháp chẩn đoán khác. Xác định khả năng tắc mạch phổi trên lâm sàng đặc biệt có ích khi phối hợp đánh giá kết quả xạ hình phổi-một phương tiện chẩn đoán cổ điển.
Ngoại trừ bệnh lý tăng ALĐMP do thuyên tắc mạn tính, tắc mạch phổi có thể chia thành ba loại chính:
Nếu diện tắc nghẽn mạch ít hơn 50% mạch phổi, thì thường không có triệu chứng. Triệu chứng cơ năng hay gặp nhất là khó thở ngay cả khi gắng sức nhẹ. Một số khác xuất hiện biểu hiện của nhồi máu phổi (NMP) ngay từ đầu (khi tắc nhánh ĐMP cỡ trung bình): đau chói ngực, có thể kèm ho khan hoặc ho ra máu. Tỷ lệ NMP chỉ chiếm khoảng 10% số bệnh nhân không có bệnh tim phổi từ trước, trong khi tỷ lệ này có thể đến 30% nếu có bệnh ở tim trái hoặc ở đường hô hấp. Triệu chứng thực thể chỉ có khi NMP: khó thở nhanh, nông do đau ngực song chưa tím, hội chứng đông đặc lẫn với tràn dịch màng phổi, có thể có cọ màng phổi. Thường sốt nhẹ và nhịp tim nhanh (do đau+sốt). Áp lực ĐMP ít khi > 25 mmHg, cung lượng tim không giảm, không tụt huyết áp, tiếng tim và áp lực tĩnh mạch hoàn toàn bình thường.
Nếu tắc cấp tính trên 50% diện mạch phổi thì biểu hiện chủ yếu là hội chứng tâm phế cấp kết hợp với trụy mạch, tụt huyết áp. Thường gặp nhất là dấu hiệu khó thở đột ngột, nhịp tim nhanh (> 100 chu kỳ/phút) và triệu chứng suy thất phải (TM cổ nổi căng, thất phải đập mạnh, nhịp ngựa phi bờ trái xương ức, T2 tách đôi rộng hoặc mạnh lên, thổi tâm thu do hở van ba lá, gan to). Nặng hơn nữa là biểu hiện trụy mạch: mạch nhanh nhỏ, trống ngực, tụt huyết áp, vã mồ hôi, đầu chi lạnh, tím tái, ngất/thỉu hoặc lú lẫn... Gần 22% số bệnh nhân tắc mạch phổi diện rộng có đau ngực trái giống NMCT. Thất phải giãn căng, áp lực thất phải và ALĐMP tâm thu tăng, song ít khi >55 mmHg; áp lực nhĩ phải và cuối tâm trương thất phải tăng (»15-20mmHg), chỉ số tim và huyết áp động mạch giảm, sức cản ngoại vi tăng. Một số trường hợp áp lực mao mạch phổi bít bình thường, nhất là khi thể tích buồng thất trái nhỏ (do mất tương quan giữa áp lực và thể tích thất trái khi vách liên thất bị đẩy sang trái). Triệu chứng sẽ đầy đủ nếu biểu hiện £ 24 giờ kể từ khi khởi phát, song ít khi đầy đủ nếu xuất hiện sau 24 giờ.
Trụy mạch, tụt huyết áp (sốc) khi huyết áp tâm thu động mạch £ 90 mmHg và/hoặc phải dùng thuốc vận mạch. Sốc ở bệnh nhân tắc mạch phổi cấp tính (mất cân bằng giữa các cơ chế bù trừ duy trì huyết áp và/hoặc tưới máu mô của cơ thể) là hậu quả của tắc mạch phổi diện rộng ở bệnh nhân không có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc tắc diện nhỏ hơn ở bệnh nhân có tiền sử COPD. Tỷ lệ tử vong tăng thêm 3 đến 7 lần nếu có sốc tim (22-40%), đa phần tử vong ngay trong giờ đầu. Tuy nhiên đa số (97%) trường hợp tắc mạch phổi diện rộng lại không có sốc trên lâm sàng. Nếu không có sốc thì tỷ lệ tử vong tương đương giữa tắc mạch phổi diện rộng và diện nhỏ hơn (0-8%). Các rối loạn huyết động khác bao gồm tụt huyết áp không cần dùng vận mạch; thỉu/ngất (do phối hợp giữa giảm ôxy máu và tụt huyết áp, chiếm tới 13%), rối loạn nhịp và dẫn truyền, ngừng tim (chủ yếu do phân ly điện cơ) hoặc tử vong. Các rối loạn này chiếm khoảng 10% (thậm chí cao hơn) tổng số trường hợp tắc mạch phổi nói chung, trong khi tỷ lệ này tăng cao ở nhóm nặng có suy tim phải cấp hoặc tăng áp lực động mạch phổi: tỷ lệ ngừng tim chiếm tới 18-29%, sốc phải dùng vận mạch là 10% (theo các nghiên cứu UPET, UPSET, ICOPER, PIOPED, MAPPET).
Thường do nhiều cục tắc kích thước nhỏ hoặc trung bình diễn ra trong vài tuần, do đó có quá trình thích nghi của thất phải. Triệu chứng chủ yếu là khó thở tăng lên và giảm dung nạp với gắng sức, thường kèm theo ho khan, có thể có tím kiểu trung ương. Mức độ khó thở không tương xứng với các triệu chứng thực thể. Mạch và huyết áp vẫn trong giới hạn bình thường. Khám thường thấy tĩnh mạch cổ nổi, tiếng T3 ở phần dưới mũi ức tăng lên khi hít vào, thành phần phổi của tiếng T2 mạnh. Tiền sử có nhiều đợt NMP xen kẽ, cuối cùng tiến triển nặng dần dẫn đến suy tim phải và giảm cung lượng tim giống bệnh cảnh cấp tính. Áp lực thất phải và áp lực tâm thu ĐMP cao hơn trong khi áp lực nhĩ phải thấp hơn so với tắc ĐMP diện rộng cấp tính.
Tắc mạch phổi thường nặng hơn nếu: xuất hiện sớm (£ 24 giờ) đảo ngược sóng T ở V1-V4, rối loạn dẫn truyền và tái cực của thất phải, dạng SISIISIII. Tuy nhiên biểu hiện trên điện tim vẫn có thể tồn tại nhiều ngày sau khi bệnh thoái triển.
Hình ảnh xẹp phổi, tràn dịch màng phổi số lượng ít, cơ hoành nâng cao là những dấu hiệu có độ nhậy thấp. Dấu bướu của Hamptons (nốt mờ ngoại vi hình chữ V hoặc bán nguyệt, nằm dọc cạnh màng phổi, hướng về rốn phổi, hay ở góc sườn hoành), dấu Westermark (vùng phổi bị giảm tưới máu khu trú) hoặc phồng đoạn gần ĐMP hay gặp ở bệnh nhân tắc mạch phổi diện rộng.
Men LDH tăng, bilirubin gián tiếp tăng và SGOT bình thường là bộ ba xét nghiệm gặp trong trường hợp tắc mạch phổi, tuy không nhậy song khá đặc hiệu, thường gặp nhất là tăng LDH. Bạch cầu tăng nhẹ (12.000-13.000/ml) trong khi hematocrit giảm nhẹ (30-35%). Tiểu cầu cũng giảm nhẹ (100.000-200.000/ml) cả khi không có biến chứng do dùng heparin.
Sản phẩm liên kết chéo thoái giáng của fibrin có chứa D-dimer (đặc trưng cho quá trình tiêu hủy fibrin nội sinh) tăng > 500 ng/ml trong > 90% bệnh nhân tắc mạch phổi. Tuy D-dimer tăng cả khi có huyết khối tĩnh mạch, đông máu nội quản rải rác (DIC), sau chấn thương, phẫu thuật hay có khối u ác tính... song có độ nhậy cao (nhất là khi định lượng bằng kỹ thuật ELISA) nên có thể dùng làm xét nghiệm để sàng lọc loại trừ tắc mạch phổi, đặc biệt là nhóm có biểu hiện trên lâm sàng và/hoặc hình ảnh có nguy cơ thấp-vừa.
McIntyre và Sasahara ghi nhận tương quan tuyến tính giữa mức độ nặng của tắc mạch phổi (đo bằng chỉ số tắc mạch khi chụp mạch, áp lực ĐMP trung bình, chỉ số tim) và giá trị PaO2 ở bệnh nhân không có tiền sử COPD. Ngoài ra các tác giả này còn thấy tương quan chặt giữa P(A-a)O2 với ALĐMP trung bình và số thương tổn trên phim chụp mạch.
Thông khí khoảng chết sinh lý (VD/VT) tăng (đo gián tiếp qua thể tích và áp lực riêng phần của CO2 toàn phần hoặc cuối kỳ thở ra ETCO2) là một chỉ số rất nhậy và đặc hiệu để chẩn đoán tắc mạch phổi, liên quan chặt với mức độ tắc và tiến triển bệnh.
Những dấu hiệu của tăng gánh thất phải do tắc mạch phổi trên siêu âm gồm: giãn/giảm vận động thất phải (giãn TP hay gặp nhất: 50-100%), tăng tỷ lệ đường kính TP/TT, di động nghịch thường vách liên thất, hở van ba lá... Những dấu hiệu này ít khi gặp nếu tắc mạch phổi diện nhỏ. Giãn thất phải còn có thể gặp trong các nguyên nhân khác: NMCT thất phải, bệnh cơ tim, tâm phế mạn hay TALĐMP, song có thể nghĩ đến tắc mạch phổi cấp nếu có kèm các dấu hiệu như: thất phải không phì đại (độ dầy £5-7mm) kèm không xẹp TMC dưới khi hít sâu, di động vách liên thất nghịch thường, vận tốc tối đa dòng chảy của hở van ba lá ở mức trung bình (>2,5-2,8 m/s và <3,5-3,7m/s), hoặc rối loạn vận động vùng đặc biệt của thất phải (mất vận động vùng giữa thành tự do, vận động bình thường vùng mỏm: do tăng co bóp bù của thất trái).
Siêu âm tim qua đường thực quản có thể thấy huyết khối ở thân hoặc đoạn gần chỗ chia động mạch phổi (chiếm 50-90% các trường hợp giãn thất phải) với độ chính xác cao (độ nhậy: 80-96,7%, độ đặc hiệu: 84-100%), tuy nhiên độ nhậy giảm với những huyết khối ở nhánh nhỏ của ĐMP, hoặc ở đoạn giữa và xa của ĐMP trái. Siêu âm tim cho phép xác định tình trạng huyết khối đang di chuyển (emboli-in-transit) ở tim phải, chiếm tới 17% số bệnh nhân tắc mạch phổi cấp, với hai týp A và B khác nhau về hình thái và tiên lượng (theo phân loại của European Cooperative Study). Týp A (gặp trong 18% tắc mạch phổi lớn có sốc) là các huyết khối dài (2-10cm), rất di động, nguồn gốc từ hệ tĩnh mạch sâu ngoại vi, thường thấy ở nhĩ phải (84%) thò vào thất phải, nguy cơ cao (một phần ba chết trong vòng 24 giờ, tỷ lệ tử vong ³ 40% kể cả khi dùng tiêu sợi huyết), và đây thường là những trường hợp có chỉ định tuyệt đối mổ cấp cứu lấy huyết khối (tỷ lệ tử vong còn 15-25%). Týp B là các huyết khối thường nhỏ hơn, hình tròn/ôvan, ít di động, nằm trong thất phải, liên quan đến các rối loạn tăng đông trong thất phải (suy tim ứ huyết, điện cực tạo nhịp vĩnh viễn, dị vật...), thường tiên lượng tốt (dù gây tắc mạch phổi trong 40% các trường hợp). Tuy nhiên Kinney và Wright lại không thấy sự khác biệt rõ về tỷ lệ tử vong giữa các loại huyết khối.
Siêu âm cũng xác định nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao như: còn lỗ bầu dục (tăng tỷ lệ tử vong, tắc mạch não và các biến chứng gần khác). Rối loạn chức năng thất phải là yếu tố nguy cơ đáng chú ý khác: dự báo tiên lượng xấu, đặc biệt ở bệnh nhân huyết động không ổn định. 10% bệnh nhân huyết động ổn định có rối loạn chức năng thất phải sẽ tiến triển thành sốc tim, với tỷ lệ tử vong vượt quá 50% do tắc mạch phổi tái phát, nhất là ở bệnh nhân tuổi cao, mới sau phẫu thuật xương hoặc chấn thương, huyết áp thấp. Tuy còn phải nghiên cứu thêm nữa, song dường như thuốc tiêu sợi huyết đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm tắc mạch phổi huyết động ổn định có rối loạn chức năng thất phải (MAPPET).
Dù vậy, xạ hình phổi vẫn rất có ích để quyết định hướng xử trí: hình ảnh xạ hình phù hợp với lâm sàng có khả năng thấp cho phép loại trừ tắc mạch phổi, hình ảnh xạ hình phù hợp với lâm sàng có khả năng đúng cao đồng nghĩa với việc phải điều trị. Những phương tiện khác như siêu âm tìm huyết khối tĩnh mạch sâu, chụp động mạch phổi hay phim CT sẽ dùng để lựa chọn phương pháp điều trị cho hai nhóm trên cũng như giúp cho chẩn đoán khi không phù hợp khả năng chẩn đoán giữa lâm sàng và ảnh xạ hình phổi, chứ không nên chỉ dựa vào lâm sàng...
Biểu hiện của tắc mạch phổi trên phim CT rõ ràng trong đa số (90%) trường hợp: các hình khuyết một phần hay hoàn toàn trong lòng mạch, hay dấu hiệu “đường ray” (dòng chảy giữa huyết khối bập bềnh trong lòng mạch và thành mạch). Đối với tắc thân ĐMP, tắc ĐMP tại thùy hoặc phân thùy phổi thì chụp CT có độ chính xác »85% (độ nhậy và đặc hiệu đều »94%, thậm chí 100% ở nhóm bệnh nhân nặng hoặc có tăng gánh thất phải). Hình ảnh dương tính giả có thể do hạch rốn phổi to gây xẹp phổi, mỡ trung thất, phù quanh mạch (suy tim ứ huyết), bơm thuốc cản quang chậm... Hình ảnh âm tính giả có thể gặp khi đánh giá các động mạch nhỏ của hạ phân thùy phổi, hoặc những vùng ĐMP xuất phát không theo chiều dọc, hoặc khi có tắc TMC trên, có luồng thông trong tim, trong phổi gây giảm cản quang các ĐMP. Độ chính xác của chụp CT chỉ giảm ở nhóm bệnh nhân tắc mạch phổi nhỏ (dưới hạ phân thùy), là nhóm chiếm tỷ lệ ít (6% các trường hợp tắc mạch phổi) và tiến triển vẫn tốt dù không dùng thuốc chống đông. Sau khi chụp CT phổi có bơm thuốc, lượng cản quang trong hệ tĩnh mạch vẫn đủ để đánh giá tiếp huyết khối trong tĩnh mạch sâu vùng chân, vùng bụng, khung chậu và TMC dưới mà không tốn thêm thời gian (»5 phút), rất cần nếu bệnh nhân có chỉ định đặt dụng cụ lọc trong TMC dưới.
Nhiều tác giả đã đặt dấu hỏi về sự cần thiết phải chụp động mạch phổi trước khi can thiệp tích cực như dùng thuốc tiêu sợi huyết thậm chí phẫu thuật lấy huyết khối do nguy cơ chảy máu, biến chứng và làm chậm trễ chẩn đoán trong khi có những biện pháp không xâm lấn chính xác khác. Tuy nhiên, chụp động mạch phổi sẽ là bắt buộc nếu áp dụng các biện pháp lấy huyết khối hoặc nong huyết khối theo đường ống thông.
Bệnh nhân tắc động mạch phổi có nguy cơ tử vong, huyết khối tái phát hoặc biến chứng mạn tính. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% nếu không điều trị.
Ngay khi nghi ngờ tắc mạch phổi nên tiêm trực tiếp tĩnh mạch ngay 5.000-10.000 đơn vị Heparin nếu không có chống chỉ định, rồi tiếp tục chẩn đoán xác định. Nếu đã loại trừ tắc mạch phổi thì dừng Heparin, nếu có chẩn đoán xác định thì lựa chọn điều trị phụ thuộc vào tình trạng huyết động của bệnh nhân. Khi huyết động suy sụp nặng gây tụt huyết áp hoặc sốc, cần nhanh chóng mở thông chỗ tắc mạch phổi bằng thuốc tiêu huyết khối và/hoặc thủ thuậtcan thiệp điều trị huyết khối. Nếu thất bại hoặc chống chỉ định, nên tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy huyết khối. Nếu thành công, tiếp tục duy trì bằng Heparin và thuốc kháng vitamin K. Bệnh nhân tắc mạch nhỏ hoặc thậm chí tắc mạch diện rộng nhưng huyết động ổn định được điều trị bằng Heparin gối với thuốc chống đông đường uống. Tắc mạch phổi tái phát hoặc chống chỉ định dùng kháng vitamin K, thì nên xem xét đặt dụng cụ lọc (filter) ở tĩnh mạch chủ dưới để phòng huyết khối.
Bảng 26-2. Liều Heparin trong HKTMCD và NMP
Chẩn đoán
HKTMCD không kèm theo NMP hoặc NMP nhỏ
NMP lớn (diện rộng)
Liều heparin
- Tiêm thẳng TM 5000 đv tiếp theo truyền TM 1000 đv/giờ, kiểm tra thời gian throboplastin bán phần (aPTT) để điều chỉnh liều Heparin sao cho aPTT trong khoảng 1,5 - 2,5 lần thời gian chứng.
- Có thể thay bằng dùng Heparin trọng lượng phân tử thấp liều 1 mg/kg tiêm dưới da x 2 lần/ngày.
- Dùng kháng vitamin K, gối từ ngày thứ 3-4, ngừng Heparin sau 7-10 ngày.
- 7000 -10 000 đv tiêm thẳng TM, sau đó truyền tốc độ 1000 - 2000 đv/giờ, kiểm tra thời gian aPTT để điều chỉnh liều Heparin sao cho aPTT trong khoảng 1,5 - 2,5 lần thời gian chứng.
- Dùng kháng vitamin K, gối từ ngày thứ 3-4, ngừng heparin sau 7-10 ngày (khi đã ổn định).
Các thuốc kháng vitamin K (Warfarin, Cumadin...) cần được dùng gối vào từ ngày thứ 3-4 sau khi dùng Heparin vì thời gian có tác dụng của các thuốc này muộn. Cần điều chỉnh liều sao cho INR trong khoảng 2,0 đến 3,0. Warfarin nên dùng bắt đầu bằng liều 5 mg/ngày. Thời gian dùng thuốc này từ 3-6 tháng sau khi bệnh nhân ra viện. Nếu bệnh nhân còn có những tình trạng tăng đông (đã nói trên) thì vẫn nên tiếp tục kéo dài.
Bảng 26-3. Liều thuốc tiêu sợi huyết cho NMP.
Hiện nay người ta đang thử nghiệm dùng dụng cụ đặc biệt (Angio - Jet) để hút cục máu đông qua ống thông tim (catheter), phương pháp này bước đầu tỏ ra có triển vọng.
Vì HKTMCD là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây NMP, nên việc ngăn ngừa và điều trị kịp thời HKTMCD cũng là ngăn ngừa NMP.
a. Tình trạng bệnh lý hệ tĩnh mạch, tổn thương mạch, hoặc tình trạng tăng đông thứ phát:
· Các phẫu thuật nặng (đặc biệt là các phẫu thuật vùng chi dưới, tiểu khung).
· Chấn thương (đặc biệt là gãy xương đùi, chấn thương sọ não, và tuỷ sống).
· Suy tim ứ huyết, giảm cung lượng tim.
· Các bệnh ác tính.
· Phụ nữ có thai.
· Dùng thuốc tránh thai kéo dài.
· Béo phì.
· Giãn tĩnh mạch chi dưới.
· Bệnh viêm đại trực tràng.
· Tuổi già.
· Hội chứng thận hư.
· Nhiễm trùng.
b. Tình trạng tăng đông tiên phát:
· Thiếu hụt yếu tố Antithrombin III.
· Thiếu hụt Protein C.
· Thiếu hụt Protein S.
· Rối loạn Plasminogen và sự hoạt hoá.
· Bệnh đái ra hemoglobin kịch phát về đêm.
· Bệnh giảm tiểu cầu gây ra bởi Heparin.
· Kháng thể kháng lupus (anticoagulant hoặc anticardiolipin).
· Rối loạn tăng sinh tuỷ xương.
· Bệnh đa hồng cầu.
a. Lâm sàng thường là xuất hiện sưng, đau, căng một chi. Một số trường hợp triệu chứng lâm sàng không rõ ràng mà chỉ đến khi xuất hiện NMP mới phát hiện ra có HKTMCD.
b. Chẩn đoán xác định dựa vào chụp hệ tĩnh mạch, tuy nhiên đây là thăm dò chảy máu và gây khó chịu cho bệnh nhân.
c. Siêu âm Doppler tĩnh mạch là xét nghiệm rất hữu ích, cho phép chẩn đoán tốt.
a. Heparin tiêm TM 5.000 đơn vị sau đó truyền TM tốc độ 1.000 đv / giờ liên tục trong 7 - 10 ngày.
b. Heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) hiện được coi là thuốc tốt để điều trị thay cho Heparin thường trong điều trị huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Các thuốc này có nhiều ưu điểm hơn là tác dụng kéo dài, không phải theo dõi bằng các xét nghiệm khi dùng, ngoài tác dụng chống yếu tố Xa còn cả tác dụng chống yếu tố II tiểu cầu.
Bảng 26-3. Heparin trọng lượng phân tử thấp trong điều trị huyết khối tĩnh mạch.
c. Dùng gối từ ngày thứ 3-4 một loại kháng vitamin K (Warfarinđ, Sintromđ) và kéo dài vài tháng.
d. Hiện nay một số tác giả ưa dùng các thuốc tiêu sợi huyết (Streptokinase, Urokinase, rt-TPA...), tuy nhiên kết quả chưa vượt trội hơn phương thức điều trị thông thường và rất đắt tiền.
e. Can thiệp đặt dụng cụ lọc (phin lọc) ở tĩnh mạch chủ dưới để ngăn ngừa cục máu đông bắn lên động mạch phổi gây NMP.
ACCP Consensus Commitee on pulmonary embolism. Opinions regarding the diagnosis and management of venous thromboembolic disease. Chest, 1996;109:233-7.
Britist Thoracic Society, Standards of Care Commitee. Suspected acute pulmonary embolism: a practical approach. Thorax, 1997;52(suppl 4):S1-24.
Fitzmaurice D, Hobbs FDR, McManus R. Thromboembolism. Clinical Evidence, 2001;5:158-68.
Geerts WH, Heit JA, Clagett GP, et al. Prevention of venous thromboembolism. Chest, 2001;119:132S-175S.
Goldhaber SZ. Pulmonary embolism. N Eng J Med, 1998;339:93-104.
Hyers TM, Agnelli G, Hull RD, et al. Antithrombotic therapy for venous thrombo-embolic disease. Chest, 2001;119:176S–193S.
Layish DT, Tapson VF. Pharmacologic hemodynamic support in massive pulmonaryembolism. Chest, 1997;111:218-24.
Mercat A, Diehl JL, Meyer G, et al. Hemodynamic effects of fluid loading in acute massive pulmonary embolism. Crit Care Med, 1999; 27:540-4.
Riedel M. Emergency diagnosis of pulmonary embolism. Heart, 2001;85:607-9.
Riedel M. Venous thromboembolic disease. Acute pulmonary embolism 1: pathophysiology, clinical presentation, and diagnosis. Heart, 2001;85:229-40.
Riedel M. Venous thromboembolic disease. Acute pulmonary embolism 2: treatment. Heart, 2001;85:351-60.
Wood KE. Major pulmonary embolism: Review of a pathophysiologic approach to the golden hour of hemodynamically significant pulmonary embolism. Chest, 2002;121:877-905.