SỨC KHOẺ SINH SẢN VỊ THÀNH NIÊN

Post date: 15:15:05 10-08-2014

Mục tiêu học tập

1.      Định nghĩa và phân loại được tuổi vị thành niên (VTN).

2.      Trình bày được sự phát triển thể chất và thay đổi sinh lý ở tuổi VTN.

3.      Nêu được những nguy cơ về sức khoẻ do thai nghén và bệnh lây truyền đường tình dục ở tuổi VTN.

 

1. ĐẠI CƯƠNG

Tuổi vị thành niên (VTN) là những người ở sau tuổi thiếu nhi và trước tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn chuyển tiếp nhưng là một giai đoạn khác biệt và quan trọng trong cuộc sống con người. Giai đoạn này có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, bước đầu hình thành nhân cách và là giai đoạn đánh dấu bước phát triển lớn từ phạm vi gia đình, họ bước đầu gia nhập vào xã hội cộng đồng, vào tập thể cùng nhóm tuổi và phát triển những kỹ năng. Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, họ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử. Sự thay đổi và phát triển này phụ thuộc rất nhiều vào các phong tục tập quán dân tộc của các nước mà trong từng nước, từng dân tộc lại có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển.

Năm 1998, Tổ chức y tế thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF) và Quỹ dân số liên hiệp quốc (UNFPA) đã thống nhất phân loại nam nữ còn trẻ tuổi thành 3 loại: vị thành niên (adolescent) 10-19 tuổi, thanh niên (youth) 15-24 tuổi, người trẻ (young people) 10-24 tuổi. Với định nghĩa này, vị thành niên (VTN) chiếm 20% dân số thế giới.

Tuổi VTN được phân định thành 3 giai đoạn (hoặc 3 nhóm):

- VTN sớm:           từ 10-14 tuổi.

- VTN trung bình: từ 15 - 17 tuổi.

- VTN muộn:         từ 18 - 19 tuổi.

 

2. SỰ THAY ĐỔI THỂ CHẤT VÀ TÂM SINH LÝ Ở TUỔI VTN

2.1. Sự thay đổi thể chất

 

Thêm hình ảnh

 

2.2. . Thay đổi sinh lý ở tuổi VTN

2.2.1. Nữ giới

- Hoạt động ngoại tiết: thông thường hàng tháng 1 nang noãn phát triển đến trưởng thành, sau 2 tuần nang vỡ (phóng noãn), phần vỏ nang phát triển thành hoàng thể.

- Hoạt động nội tiết: nang noãn tiết Oestrogen. Hoàng thể tiết progesterone.

 Trong khoảng 1 năm đầu: vòng kinh thường không có phóng noãn nên kinh nguyệt không đều, thời gian hành kinh cũng thay đổi.

2.2.2. Nam giới

       - Hoạt động ngoại tiết

+ Tinh bào được sản xuất từ ống sinh tinh trở thành tiền tinh trùng, qua mào tinh thành tinh trùng trưởng thành.

+ Tinh trùng được tập kết tại túi tinh.

Hoạt động nội tiết:

+ Tinh hoàn tiết testosterone.

+ Túi tinh và tuyến tiền liệt sản xuất phần lỏng của tinh tương.

+ Biểu hiện xuất tinh, những lần đầu là mộng tinh (xuất tinh khi ngủ).

+ Tinh trùng được sản xuất liên tục.

2.3. Thay đổi về tâm lý ở tuổi VTN

Bên cạnh những thay đổi về thể chất và sinh lý, lứa tuổi này có thể có những thay đổi về tâm lý được thể hiện như sau:

2.3.1. Tính độc lập

- Bắt đầu có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ.

- Chuyển từ sinh hoạt gia đình, sang sinh hoạt bạn bè, tín ngưỡng để đạt được sự độc lập.

- Đôi khi chống đối lại bố mẹ: Đây là một lĩnh vực cần quan tâm nhưng phải kiên trì, mềm dẻo, linh hoạt uốn nắn để tránh chạm tự ái đến tổn thương tinh thần.

2.3.2. Nhân cách

- Cố gắng khẳng định mình như một người lớn vì vậy có những hành vi bắt chước người lớn.

- Thường tự đặt câu hỏi: Ta là ai? Ta có thể làm được cái gì.

- Nhân cách giới cũng được phát triển.

2.3.3. Tình cảm

- Chuẩn bị cho mối quan hệ yêu đương: xuất hiện tình yêu bạn bè, khó phân biệt đâu là tình yêu, đâu là bạn bè. Dễ mơ mộng. Khi đổ vỡ niềm tin dễ chán nản.

- Học cách biểu lộ tình cảm và điều khiển cảm xúc.

- Phát triển khả năng yêu và được yêu.

- Tỏ thái độ thân mật trong quan hệ với người khác.

2.3.4. Tính tích hợp

Những thông tin thu thập được từ cha mẹ, nhà trường, xã hội, bạn bè, người trung gian, các hoạt động văn hoá là cơ sở để tạo ra giá trị của bản thân tạo niềm tự tin và cách ứng xử.

2.3.5. Trí tuệ

Liên tục được phát triển từ những thu nhập và tích luỹ các kiến thức nhà trường, xã hội đến thay đổi những suy nghĩ. VTN thường thích lập luận, suy diễn nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hoá. Giai đoạn phát triển đặc biệt này chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của các điều kiện văn hoá, giáo dục, kinh tế của môi trường gia đình và xã hội đồng thời cũng là giai đoạn gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ và cho cộng đồng.  Tuổi VTN ở mỗi nền văn hoá có những đặc điểm riêng nhưng nói chung còn bộc lộ tính phụ thuộc, sự khủng hoảng về nhân cách và hoang mang về tâm lý mà như nhiều người đã nhận xét, các em đang muốn khám phá chính mình “Tôi là ai ?”.  Tuy trưởng thành về mặt cơ thể nhưng VTN còn phải được giúp đỡ, giáo dục để hình thành nhân cách xã hội và phát triển đúng hướng.

 

3. NHỮNG NGUY CƠ VỀ SỨC KHOẺ DO THAI NGHÉN VÀ CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN ĐƯỜNG TÌNH DỤC Ở TUỔI VTN.

Hành vi tình dục ở độ tuổi vị thành niên thường không kiểm soát và thường dẫn đến thai nghén ngoài ý muốn. Do sự phát triển cơ thể chưa hoàn chỉnh, mang thai tuổi vị thành niên có liên quan đến một số hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ tình dục như nạo phá thai, sẩy thai, sinh thiếu cân, đẻ non, thai nhỏ so với tuổi thai, tử vong mẹ.

Chính sự mang thai ở tuổi VTN lại ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển thể chất và tâm sinh lý cũng như phát triển trí tuệ sau này.

Quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thanh thiếu niên đang là nỗi lo ngại của cộng đồng (lậu, giang mai, HIV...).

Hậu quả về kinh tế, xã hội với vấn đề thai sản và sinh đẻ ở tuổi VTN bao gồm:

- Hạn chế khả năng học tập hoặc bỏ học dẫn đến giảm cơ hội tìm được việc làm tốt hoặc từ bỏ quyền làm mẹ, có khi giết đứa trẻ mới sinh hoặc bi quan tự sát, làm gái mại dâm...  Điều kiện kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của cả mẹ và con.

- Nhà nước phải chi trả trực tiếp trợ cấp về y tế, xã hội để giải quyết khó khăn cho mẹ và con.

- Làm tăng tốc độ phát triển dân số.

 

4. CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN Ở TUỔI VTN.

4.1. Thông tin giáo dục truyền thông

- Đáp ứng những nhu cầu thông tin và những dịch vụ VTN cần biết.

-   Xác định thái độ trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với VTN.

-   Chú trọng vào thiết kế chương trình có sự tham gia của vị thành niên và cộng đồng

-   Đảm bảo tính bí mật thông tin, giải quyết các vấn đề tâm lý, nhận thức cũng như những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống.

-   Tư vấn phải đảm bảo không phán xét, tập trung tìm hiểu các yếu tố nguy cơ của một số tình trạng như: nghiện hút, tự tử, có thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền QĐTD...

-   Tư vấn và giáo dục phải đảm bảo giúp cho vị thành niên tự lựa chọn các biện pháp tránh thai khi đã được cung cấp đầy đủ thông tin: biện pháp tránh thai bằng hóc môn, bao cao su hoặc kiêng quan hệ tình dục.

4.2. Mục đích của việc giáo dục giới tính

- Sự hài hoà giữa quyền lợi cá nhân và trách nhiệm xã hội.

- Xây dựng mối quan hệ nhân văn và có trách nhiệm bình đẳng giữa nam và nữ.

- Yêu đương lành mạnh.

4.3. Nội dung thông tin giáo dục truyền thông

Vị thành niên cần nhận được những hướng dẫn về sức khoẻ để có những hiểu biết tốt hơn về tâm sinh lý cũng như sự phát triển tâm lý tình dục của họ. Những hướng dẫn đó phải nhấn mạnh vào những chiến lược để nâng cao sức khoẻ và giảm thiểu nguy cơ.

- Giáo dục về giới tính, sức khoẻ tình dục và sinh sản ở tuổi VTN.

- Những nguy cơ do thai sản ở tuổi VTN.

- Cung cấp các thông tin về tránh thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn.

- Cung cấp các thông tin và cách phòng tránh các bệnh LTQĐTD.

- Phổ biến vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh bộ phận sinh dục.

- Những nguy cơ dẫn đến vô sinh.

- Giải thích các nguy cơ nghiện hút ma tuý.

- Giải thích những đồn đại không đúng về tuổi VTN.

TÓM TẮT CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA TUỔI VTN