NHƯỢC CƠ

Post date: 03:09:02 09-08-2014

I. ĐỊNH NGHĨA: 

Nhược cơ là bệnh lý thần kinh do tổn thương tại khớp nối thần kinh-cơ có liên quan đến cơ chế tự miễn. Biển hiện lâm sàng bằng sự yếu cơ kéo dài, nặng lên khi hoạt động lâu. 

Có 3 dạng nhược cơ ở trẻ em: 

· Nhược cơ ở trẻ lớn (bệnh lý giống nhược cơ người lớn). 

· Nhược cơ ở trẻ nhỏ. 

· Nhược cơ thoáng qua ở trẻ sơ sinh (có mẹ bị nhược cơ). 

II. CHẨN ĐOÁN 

1. Công việc chẩn đoán cần: 

a) Hỏi:  

· Yếu cơ nặng lên sau hoạt động hoặc về buổi chiều. 

· Mắt mở lớn lúc mới thức dậy sau đó sụp mi dần, có kèm lé mắt. 

· Nuốt khó, uống sặc, nói khó. 

· Ở trẻ sơ sinh, khóc nhỏ, bú kém ngay vài giờ đầu sau khi sanh. 

· Tiền căn gia đình: mẹ hoặc anh chị bị nhược cơ. 

b) Khám:  

· Tìm dấu sụp mi một hoặc hai bên, liệt vận nhãn (không có dãn đồng tử). 

· Yếu cơ chân tay. 

· Phản xạ gân cơ bình thường hoặc giảm. 

· Trương lực cơ đều hai bên, không có dấu Babinski, không có rối loạn cơ vòng, không có hôn mê nếu không suy hô hấp.  

· Tìm dấu hiệu dọa suy hô hấp: nuốt sặc, tăng tiết đàm nhớt, nói yếu.  

· Tìm dấu hiệu suy hô hấp 

c. Xét nghiệm: 

· Công thức máu. 

· Điện cơ: giảm biên độ co cơ nhanh sau kích thích và có cải thiện sau chích thuốc kháng Cholinesterase. 

· Tìm kháng thể kháng thụ thể Acetylcholine trong máu. 

· Ion đồ. 

2. Chẩn đoán xác định: 

· Lâm sàng: Yếu cơ tăng sau hoạt động và buổi chiều, sụp mi + Điện cơ có kết quả nhược cơ.  

· hoặc: Lâm sàng: Yếu cơ tăng sau hoạt động và buổi chiều, sụp mi + 

Điều trị thử có kết quả: 

· Điều trị thử với thuốc kháng Cholinesterase: Test Prostigmine dương tính khi mắt bớt sụp mi, suy hô hấp cải thiện. 

3. Chẩn đoán có thể: Lâm sàng không điển hình + Điện cơ có thể nhược cơ hay điều trị thử có kết quả. 

4. Chẩn đoán phân biệt: 

· Hội chứng Guillain-Barré: liệt đồng đều tứ chi, phản xạ mất, có thể liệt TKVII ngoại biên, suy hô hấp nhưng không sụp mi. 

· Viêm tủy: liệt tứ chi không đồng đều kèm mất cảm giác và rối loạn cơ vòng, có dấu Babinski. 

· Hạ Kali máu: yếu cơ chu kì có tính chất gia đình, điện tim và Ion đồ có dấu hạ Kali máu 

· Bệnh cơ 

III. ĐIỀU TRỊ: 

1. Nguyên tắc điều trị: 

· Tăng cường tác dụng của Acetylcholine 

· Ức chế tác dụng của kháng thể kháng thụ thể Acetylcholine tại màng sau khớp thần kinh cơ. 

· Hỗ trợ hô hấp nếu có suy hô hấp. 

2. Xử trí ban đầu: 

a) Cấp cứu: 

· Có suy hô hấp: Thở Oxy và thông khí nhân tạo 

· Điều trị thử với thuốc kháng Cholinesterase 

- Test Edrophonium Chloride (Tensilon) 5mg TM, đánh giá kết quả sau 5 phút, hoặc: 

- Test Neostigmine (Prostigmine) 0,04mg/kg, đánh giá kết quả sau 20 phút. 

Có cải thiện lâm sàng: Test dương tính: xác định chẩn đóan nhược cơ và tiếp tục điều trị. 

Khi có tác dụng quá liều thuốc kháng Cholinesterase, dùng Atropine 0,01 mg/kg Tdd. 

b) Đặc hiệu: Sau khi có chẩn đoán xác định, tùy từng trường hợp, phối hợp các phương pháp sau: 

· Điều trị triệu chứng: bằng thuốc kháng Cholinesterase: 

- Pyridostigmine Bromide (Mestinon) 0,5-2mg/kg/ngày chia 2-3 lần uống 

- Neostigmine (Prostigmine) 0,1-0,5mg/kg/ngày chia 2-4 lần uống 

- Chú ý sự quá liều thuốc cũng gây yếu cơ như cơn nhược cơ. 

· Điều trị miễn dịch: 

- Prednisone: 1-2mg/kg/ngày, giảm liều dần sau khi có đáp ứng lâm sàng. 

- Thuốc ức chế miễn dịch ít sử dụng 

- Globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch, có kết quả nhưng chỉ nhất thời và giá thành cao 

- Lọc máu để loại trừ kháng thể kháng thụ thể Acetylcholine thường dùng khi có suy hô hấp hoặc chuẩn bị mổ tuyến ức. 

· Điều trị phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức: khi các phương pháp trên thất bại. 

3. Xử trí tiếp theo: 

· Nếu đã có đáp ứng lâm sàng tốt - Không còn tình trạng cấp cứu - có thể theo dõi và tái khám mỗi tuần - chú ý khả năng tái phát nặng bất ngờ dù uống thuốc đầy đủ. 

· Thiếu và thừa thuốc kháng Cholinesterase đều có thể gây suy hô hấp - (Chỉ có thể phân biệt bằng test Tensilon). 

· Các stress về thể lực, bệnh nội khoa mới phát có thể làm nặng bệnh đã ổn định 

· Các thuốc dãn cơ, an thần, kháng sinh họ Aminosid có thể làm bệnh tái phát, nên không được sử dụng. 

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM: 

· Điều trị triệu chứng phải theo sát dấu lâm sàng: bệnh tăng thuốc tăng, bệnh giảm thuốc giảm. 

· Thời gian điều trị có thể vài năm.